Cập nhật lúc: 15:00 24-10-2017 Mục tin: ĐỊA LÝ LỚP 12
Xem thêm: Chương 3. Địa lý các ngành kinh tế
CÁC NHÂN TỐ CHỦ YẾU ẢNH HƯỞNG TỚI TỔ CHỨC LÃNH THỔ CÔNG NGHIỆP
- Nhóm nhân tố bên trong
+ Vị trí địa lí: có tác động rất lớn đến việc lựa chọn vị trí các nhà máy, các khu công nghiệp, khu chế xuất.
+ Tài nguyên thiên nhiên:
• Khoáng sản: là một trong những nguồn lực hàng đầu ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ công nghiệp, số lượng, trữ lượng, chất lượng và sự kết hợp các loại khoáng sản theo lãnh thổ sẽ chi phối quy mô, cơ cấu và tổ chức các xí nghiệp công nghiệp.
• Nguồn nước: là điều kiện quan trọng cho việc phân bố các xí nghiệp của nhiều ngành công nghiệp (luyện kim đen và màu), dệt, nhuộm, giấy, chế biến thực phẩm,...
• Tài nguyên khác: khí hậu, đất đai, tài nguyên sinh vật, biển,...
+ Điều kiện kinh tế - xã hội:
• Dân cư và lao động: dân cư với những tập quán sản xuất, tiêu dùng và nguồn lao động (số lượng, chất lượng) có vai trò lo lớn trong việc tổ chức lãnh thổ công nghiệp, về phương diện này, dân cư được xem xét dưới hai góc độ: sản xuất và tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ gắn với số dân có thể coi là một nguồn lực quan trọng.
Ở nơi có nguồn lao động dồi dào cho phép phát triển và phân bố các ngành công nghiệp cần nhiều lao động (dệt - may, giày - da, công nghiệp thực phẩm).
Những nơi có đội ngũ lao động kĩ thuật cao, công nhân lành nghề gắn với các ngành công nghiệp hiện đại, đòi hỏi hàm lượng công nghệ và “chất xám" cao trong sản phẩm (kĩ thuật điện, điện tử- tin học, cơ khí chính xác,...).
• Trung tâm kinh tế và mạng lưới đô thị: có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và phát triển một số hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Nơi đây thường hội tụ những thế mạnh về kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc,...), nguồn lao động với chất lượng cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn với sự đa dạng về thị hiếu tiêu dùng.
• Điều kiện khác: vốn, nguyên liệu, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật kĩ thuật phục vụ công nghiệp, đường lối phát triển công nghiệp.
- Nhóm nhân tố bên ngoài
+ Thị trường bên ngoài có tác động mạnh mẽ tới quá trình lựa chọn vị trí xí nghiệp, hướng chuyên môn hóa sản xuất và chi phối trực tiếp tới tổ chức lãnh thổ công nghiệp. Trong nước, các đô thị lớn ngoài chức năng trung tâm - hạt nhân công nghiệp, còn là thị trường quan trọng khuyến khích sự phát triển của sản xuất. Thị trường quôc tế cũng có vai trò đặc biệt. Sự phát triển công nghiệp của bất kì quốc gia nào cũng đều thỏa mãn nhu cầu trong nước và hội nhập với thị trường thế giới. Vì thế, thị trường này chắc chắn có tác động nhất định tới tổ chức lãnh thổ công nghiệp.
+ Sự hợp tác quốc tế được thể hiện qua một số lĩnh vực chủ yếu sau đây:
• Vốn: Hỗ trợ vốn đầu tư từ các nước kinh tế phát triển. Quá trình đầu tư làm xuất hiện ở các nước đang phát triển một vài ngành công nghiệp mới, các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và mở mang ngành nghề truyền thống. Điều đó dẫn tới sự thay đổi cho cả hai chiều hướng- tích cực và tiêu cực.
• Công nghệ: Trong thời đại kinh tế tri thức, chuyển giao kĩ thuật và công nghệ cũng là một trong những hướng quan trọng. Kĩ thuật và công nghệ hiện đại có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, phương hướng, phân bố sản xuất cũng như các hình thức tổ chức lãnh thổ và bộ mặt kinh tế của đất nước nói chung và các vùng nói riêng.
• Tổ chức quản lí: Chuyển giao kinh nghiệm tổ chức, quản lí đến các nước đang phát triển đã và đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Kinh nghiệm quản trị giỏi không chỉ giúp cho từng doanh nghiệp làm ăn phát đạt, mà còn mở ra cơ hội cho họ hợp tác chặt chẽ với nhau, tạo ra sự liên kết bền vững trong hệ thống sản xuất kinh doanh thông nhất. Chính sự liên kết đó là tiền đề để hình thành các không gian công nghiệp cũng như các hình thức TCLTCN.
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021