Cập nhật lúc: 09:06 21-12-2018 Mục tin: ĐỊA LÍ LỚP 9
BÀI 17: VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG (tiếp theo)
PHẦN 2. KINH TẾ
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN.
I. Tình hình phát triển kinh tế.
1. Công nghiệp.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh trong cơ cấu GDP của vùng.
- Các ngành công nghiệp trọng điểm: chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và cơ khí.
+ Chế biến lương thực thực phẩm: Hà Nội, Hải Phòng, Nạm Định, Hưng Yến, Hải Dương.
+ Sản xuất hàng tiêu dùng: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương…
+ Cơ khí: Hà Nội, Hà Đồng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình.
- Phân bố: các ngành công nghiệp lớn nhất: Hà Nội, Hải Phòng.
2. Nông nghiệp.
- Tỉ trọng có xu hướng giảm trong cơ cấu GDP của vùng.
- Trồng trọt:
+ Nghề trồng lúa có trình độ thâm canh cao, diện tích và sản lượng lúa đứng thứ 2 sau đồng bằng sông Cửu Long, năng suất lúa cao nhất cả nước.
+ Vụ đông đang trở thành vụ chính.
- Chăn nuôi.
+ Chăn nuôi gia súc: đàn lợn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước.
+ Chăn nuôi bò bò sữa đang được đẩy mạnh.
+ Gia cầm: gà, vịt…
- Thủy sản: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản được chú trọng phát triển.
3. Dịch vụ.
- Chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế và ngày càng tăng.
- Phát triển mạnh là giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và du lịch.
- Hà Nội, Hải Phòng là hai trung tâm dịch vụ lớn.
II. Các trung tâm kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm.
- Hà Nội, Hải Phòng là hai trung tâm kinh tế quan trọng nhất của vùng.
- Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh => Tam giác kinh tế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
- Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của 2 vùng; đồng bằng sông Hồng và vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
B. LUYỆN TẬP.
I. CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP SGK TRANG 79.
Bài 1. Trình bày đặc điểm phát triển công nghiệp ở vùng đồng bằng sông Hồng thời kì 1995 – 2002.
- Đặc điểm phát triển công nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Hồng thời kì 1995 – 2002:
+ Công nghiệp hình thành sớm nhất Việt Nam và phát triển mạnh trong thời kì đất nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Chiếm 21% GDP công nghiệp cả nước (2002).
- Phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp tập trung ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
- Các ngành công nghiệp trọng điểm gồm: công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí.
- Các sản phẩm công nghiệp quan trọng: máy công cụ, động cơ điện, phương tiện giao thông, thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng (vải, sứ dân dụng, quần áo, hàng dệt kim, giấy viết, thuốc chữa bệnh...).
Bài 2. Sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Hồng có tầm quan trọng như thế nào? Đồng bằng sông Hồng có những điều kiện thuận lợi và khó khăn gì để phát triển sản xuất lương thực?
a) Ý nghĩa của việc sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Hồng:
- Đảm bảo nhu cầu lương thực cho nhân dân của vùng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Là mặt hàng xuất khẩu quan trọng (lúa gạo), mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn.
- Cung cấp thức ăn cho chăn nuôi (phụ phẩm từ lương thực hoa màu), góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp.
- Cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm.
- Giải quyết việc làm cho lao động, sử dụng hợp lí tài nguyên (đất trồng, nguồn nước...).
b) Những điều kiện phát triển sản xuất lương thực ở đồng bằng sông Hồng:
* Thuận lợi:
- Đất phù san màu mỡ, diện tích rộng lớn, thuận lợi cho việc sản xuất lương thực với quy mô lớn.
- Khí hậu nóng ẩm, nguồn nước dồi dào cho việc phát triển thâm canh tăng vụ.
- Nguồn lao động đông, có trình độ thâm canh cao nhất cả nước.
- Cơ sở vật chất kĩ thuật của nông nghiệp, đặc biệt là mạng lưới thủy lợi đảm bảo tốt cho sản xuất.
- Có các chính sách mới của Nhà nước (chính sách về đất, thuế, giá nông sản...)
- Thị trường rộng lớn, thúc đẩy sản xuất phát triển.
* Khó khăn:
- Vùng đất trong đê không được bồi tụ thường xuyên, bị thoái hóa.
- Bình quân đất canh tác trên đầu người thấp (dưới 0,05 ha/người).
- Diện tích đất canh tác còn ít khả năng mở rộng, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa làm cho đất sản xuất lương thực ở một số địa phương bị thu hẹp, suy thoái.
- Thời tiết diễn biến bất thường, tai biến thiên nhiên thường xảy ra (bão, lũ, hạn hán, rét kéo dài...).
- Thu nhập từ sản xuất lương thực còn thấp ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất (thiếu vốn đầu tư, chuyển diện tích đất sản xuất lương thực sang mục đích khác,..).
------------------- HẾT --------------------
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021