Cập nhật lúc: 09:33 14-12-2018 Mục tin: ĐỊA LÍ LỚP 9
BÀI 14. VÙNG TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI BẮC BỘ
PHẦN 1 – TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ – XÃ HỘI.
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN.
I. LÃNH THỔ VÀ VỊ TRÍ ĐỊA LÍ.
1.Lãnh thổ.
- Diện tích: 100.965 km2, chiếm 30,5 % diện tích cả nước.
- Gồm 15 tỉnh:
+ Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai.
+ Tây Bắc: Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
2. Vị trí địa lí.
- Bắc: giáp Trung Quốc.
- Tây: giáp Thượng Lào.
- Đông Nam: giáp Vịnh Bắc Bộ.
- Nam: Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.
=> Ý nghĩa:
- Thiên nhiên đa dạng.
- Thuận lợi giao lưu trong và ngoài nước.
- Phát triển tổng hợp kinh tế đất liền và biển.
- Có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng.
II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN.
- Thuận lợi: Tài nguyên phong phú tạo điều kiện phát triển kinh tế đa ngành.
- Khó khăn: Địa hình chia cắt phức tạp, thời tiết diễn biến thất thường, khoáng sản trữ lượng nhỏ và điều kiện khai thác phức tạp, xói mòn đất, sạt lở đất, lũ quét ….
III. ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ XÃ HỘI
- Đặc điểm:
+ Đây là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc ít người. (Thái, Mường, Tày, Nùng, Dao, Mông …)
+ Người Việt (Kinh) cư trú ở hầu hết các địa phương.
+ Trình độ dân cư, xã hội có sự chênh lệch giữa Đông Bắc và Tây Bắc.
+ Đời sống đồng bào các dân tộc bước đầu được cải thiện nhờ công cuộc Đổi mới.
- Thuận lợi:
+ Đồng bào dân tộc có kinh nghiệm sản xuất (canh tác trên đất dốc, trồng cây công nghiệp, dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới …)
+ Đa dạng về văn hóa …
- Khó khăn:
+ Trình độ văn hóa, kĩ thuật của người lao động còn hạn chế.
+ Đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
B. CÂU HỎI LUYỆN TẬP
Bài 1. Hãy nêu những thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên của Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên:
- Tài nguyên khoáng sản: tập trung khoáng sản đa dạng và giàu có nhất cả nước (than, sắt, đồng, thiếc, apatit, kẽm, ), đặc biệt là than đá (Quảng Ninh).
⟹ Phát triển công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản, năng lượng.
- Nguồn thủy năng dồi dào: phát triển thủy điện
- Địa hình đa dạng, chủ yếu là đất feralit , khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh nhất nước ta, phân hóa sâu sắc theo độ cao, nên có điều kiện phát triển các sản phẩm cây công nghiệp cận nhiệt và ôn đới, cây ăn quả, cây dược liệu, cây đặc sản và rau ôn đới.
- Tài nguyên rừng khá giàu có, trong rừng còn nhiều lâm sản quý và các loài chim thú, có các vườn quốc gia (Hòang Liên, Ba Bể, Xuân Sơn, Bái Tử Long) thuận lợi phát triển du lịch sinh thái.
- Tài nguyên biển: vùng biển Quảng Ninh có nhiều vũng vịnh đẹp, các bãi biển, bãi tôm bãi cá.
⟹ Thuận lợi cho du lịch biển, xây dựng cảng biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Bài 2. Tại sao Trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kinh tế - xã hội cao hơn miền núi Bắc Bộ?
Trung du Bắc Bộ là địa bàn đông dân và phát triển kinh tế - xã hội cao hơn miền núi Bắc Bộ vì:
- Trung du có địa hình thấp và bằng phẳng và bớt hiểm trở hơn miền núi, giao thông đi lại dễ dàng hơn.
- Khu vực trung du nằm liền kề với đồng bằng sông Hồng là vùng kinh tế phát triển nhất cả nước, tạo nhiều cơ hội giao lưu trao đổi hàng hóa, tiếp thu nhiều công nghệ thành tựu mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của miền.
- Trung du có vị trí bản lề, cầu nối giữa vùng kinh tế năng động đồng bằng sông Hồng với khu vực miền núi có nguồn tài nguyên giàu có, trung chuyển hàng hóa, nguyên liệu.
- Nguồn nước cho sản xuất và cho sinh hoạt dân cư ở vùng trung du đảm bảo tốt hơn, it xảy ra tai biến thiên nhiên hơn (lũ quét, trượt lở đất đá,,,).
- Trung du có lịch sử khai thác sớm hơn miền núi Bắc Bộ.
Bài 3. Vì sao việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên?
Việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống các dân tộc phải đi đôi với bảo vệ môi trường tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên vì:
- Các thế mạnh kinh tế của Trung du và miền núi Bắc Bộ chủ yếu là các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển nông nghiệp (khai thác khoáng sản, thủy năng, khai thác, chế biến lâm sản, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc lớn, du lịch sinh thái…). Đây là những hoạt động kinh tế có tác động trực tiếp đến điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của vùng.
- Trong điều kiện địa hình đồi núi, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nếu khai thác không chú trọng việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên sẽ làm cho các nguồn tài nguyên cạn kiệt dần, môi trường suy thoái, làm hạn chế việc phát triển kinh tế và đời sống các dân tộc.
- Trong thực tế, việc khai thác nhiều loại tài nguyên không hợp lí trước đây (đất trồng, rừng, nguồn nước, khoáng sản…) đã làm cho các tài nguyên trên bị suy giảm, các tai biến thiên nhiên (lũ quét, trượt lở đất đá, khô hạn…) gia tăng, gây nhiều thiệt hại về kinh tế và đời sống dân cư.
HẾT
Tất cả nội dung bài viết. Các em hãy xem thêm và tải file chi tiết dưới đây:
Các bài khác cùng chuyên mục
Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021