Một số lưu ý để làm tốt bài thi môn Địa lí

Cập nhật lúc: 15:00 19-06-2017 Mục tin: ĐỊA LÝ LỚP 12


Cùng tham khảo một số lưu ý để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn Địa lí trong kì thi THPTQG qua bài viết dưới đây

MỘT SỐ LƯU Ý ĐỂ LÀM TỐT BÀI THI MÔN ĐỊA LÝ

(Thực hiện: H.Thu – Ban chuyên môn Tuyensinh247.com)


1. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm Địa lý, trước tiên các em cần nắm vững kiến thức cơ bản sách giáo khoa, kể cả các định nghĩa, khái niệm, các nhận xét, nhận định. Khi làm bài thi, các em cần đọc kĩ đề thi và gạch chân ngay các từ chìa khóa, khi xác định được các từ chìa khóa của câu hỏi, lại có kiến thức cơ bản vững vàng chắc chắn các em sẽ dễ dàng ghi điểm ở những câu hỏi nhận biết.

2. Một câu hỏi thường gặp của học sinh là “có phải học thuộc lòng các số liệu không” thì các em không cần ghi nhớ quá nhiều số liệu phức tạp mà chỉ cần nhớ các số liệu chính, đối với những câu hỏi cần số liệu, nếu đề thi không cho sẵn các em hoàn toàn có thể khai thác Atlat Địa lý Việt Nam. 

3. Đối với phần bài tập bảng số liệu, biểu đồ:

- Nắm chắc các công thức tính toán như mật độ dân số, công thức tính sản lượng, năng suất, tốc độ tăng trưởng, cơ cấu…

- Đối với dạng bài tập biểu đồ, các em không còn phải vẽ biểu đồ nhưng  cần có được kĩ năng rất quan trọng là nhận biết dạng biểu đồ, nhận xét biểu đồ.

- Một số dạng, từ khóa thường gặp và cách lựa chọn biểu đồ thích hợp

+ Biểu đồ thể hiện “ tốc độ tăng trưởng”, sự tăng trưởng/ gia tăng -> vẽ bđ đường: ví dụ tốc độ tăng trưởng dân số qua các năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng qua các năm….

+ Biểu đồ thể hiện cơ cấu hoặc sự thay đổi/ sự chuyển dịch cơ cấu ( hoặc quy mô và cơ cấu) nếu =< 3 năm ( hoặc 3 đối tượng) => vẽ bđ tròn : ví dụ biểu đồ thể hiện quy mô và sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế của nước ta năm 2000 và 2010…

+ Biểu đồ thể hiện cơ cấu hoặc sự thay đổi/ sự chuyển dịch cơ cấu nếu > 3 năm => vẽ bđ miền, ví dụ: biểu đồ thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế của nước ta năm từ năm 1990 đến 2010 ( bảng số liệu có 4 năm trở lên)…

+ Biểu đồ thể hiện giá trị đối tượng, sự phát triển của đối tượng (thường có giá trị thực với đơn vị là: triệu tấn, triệu dân…) => vẽ bđ cột : ví dụ biểu đồ thể hiện giá trị sản lượng thủy sản bắc Trung Bộ và DHNTB qua các năm

+ Biểu đồ thể hiện được các đối tượng có đơn vị khác nhau: => vẽ biểu đồ kết hợp, ví dụ: biểu đồ thể hiện sản lượng thủy sản ( nghìn tấn) và giá trị sản xuất thủy sản ( tỉ đồng)….

- Tuy không phải vẽ biểu đồ nhưng thí sinh vẫn nên nắm được 1 biểu đồ đẩy đủ bao gồm các yếu tố: đơn vị, năm, khoảng cách năm, bảng chú giải, tên biểu đồ để có thể trả lời được những câu dạng tìm yếu tố bị thiếu hoặc sai trong biểu đồ

- Nhận xét bảng số liệu, biểu đồ: chú ý xu hướng thay đổi tăng, giảm (có liên tục hay không, tăng nhanh hay chậm…) dựa vào giá trị năm đầu, năm cuối, năm đột biến, tính toán tốc độ tăng trưởng, chú ý vị trí của đối tượng trong tổng cơ cấu…

4. Đối với bài tập Atlat:

            Kĩ năng khai thác Atlat thì không thể thiếu dù thi với hình thức nào. Sai lầm lớn của nhiều học sinh thường cố gắng học ngay vào các trang Atlat mà không nắm được bảng chú giải, các kí hiệu chung thường dùng trong Atlat (trang 3) dẫn đến việc khi có đáp án câu hỏi các em cũng không hiểu được tại sao lại có đáp án đó. Một số câu hỏi nhận biết như câu hỏi về phân cấp đô thị loại 1,2 các em rất dễ nhầm sang quy mô đô thị > 1 triệu người, từ 500001 – 1 triệu người; hay câu hỏi về số vùng khí hậu trong miền khí hậu hầu hết các em đều nhầm lẫn; nguyên nhân chính cũng là do các em không nắm được bảng chú giải. Các em nên thuộc được nội dung cơ bản của các trang Atlat để khi đề thi không đưa ra 1 trang Atlat cụ thể hoặc đề thi không có mệnh đề “Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam” , các em vẫn có  thể mở ngay được trang cần sử dụng, khai thác được các kiến thức của trang Atlat đó.

5. Chú ý những câu hỏi dạng phủ định: đọc kĩ đề sẽ giúp các em phát hiện ra dạng câu hỏi phủ định, những câu hỏi này thường không quá khó nhưng do đọc đề nhanh, vội nên thường bỏ sót điểm , rất lãng phí

6. Khi làm bài thi : nên đọc đề một lượt, gặp câu hỏi dễ trả lời ngay, câu hỏi khó đánh dấu lại để chuyển sang câu khác. Sau đó quay lại giải quyết các câu khó, dành nhiều thời gian để suy nghĩ, tính toán, loại trừ các phương án, tham khảo Atlat

7. Sắp đến kì thi rồi, quan trọng nhất là giữ gìn sức khỏe, nên để đầu óc thảnh thơi 1 chút, tinh thần thoải mái sẽ giúp các em làm bài thi tốt hơn, nếu vẫn lo lắng có thể đọc lại sách giáo khoa hoặc làm lại 1 vài đề thi thử sẽ hiệu quả hơn là lao vào đọc thêm sách tham khảo, các tài liệu không rõ ràng khiến các em hoang mang, phân vân…

 

 

HẾT

 

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Luyện Bài tập trắc nghiệm môn Địa lớp 12 - Xem ngay

Cập nhật kiến thức và thông tin tuyển sinh bám sát kì thi THPTQG 2021